[Kiến Thức] Đau Sau Khi Tập Thể Dục Là Tốt Hay Xấu?

Nam N. Phung
Đăng ngày 04/06/2020
515 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Cho dù có phải là người đam mê thể thao hay không, chúng ta đều có những trải nghiệm về các cơn đau đớn khó chịu sau khi tập thể dục. Cùng là một cơn đau và khó chịu, nhưng ý nghĩa đằng sau nó lại rất khác nhau. Có những cơn đau được cho là "tốt". Đây là hiện tượng sinh lý bình thường trong quá trình luyện tập, chẳng hạn như đau nhức và cứng khớp ở chân dưới hoặc khớp gối sau khi chạy hoặc đạp xe. Nhưng cũng có một số cơn đau được cho là  "xấu", vì đây dấu hiệu của chấn thương và là tín hiệu cảnh báo của cơ thể về việc tập thể dục không đúng cách hoặc tập quá sức.


Cơn đau "tốt"

Cơn đau "tốt" thường được biểu hiện bằng sự đau nhức, sưng hoặc nóng rát ở cơ và khớp. Nó sẽ xuất hiện trong khi tập thể dục, thường kéo dài vài giây đến vài phút và trong một vài trường hợp sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi kết thúc tập luyện. Nói cách khác, cơn đau "tốt" là một sự khó chịu ngắn hạn, và đôi khi đi kèm với sự mệt mỏi cục bộ. Ví dụ, trong quá trình tập tạ, để nâng tạ nhiều hơn, các cơ phải co bóp mạnh hơn. Sự co cơ mạnh làm tăng áp lực lên các mô cơ và cơ thể có thể cảm thấy khó chịu ở khu vực đó. Khi hiện tượng này xảy ra, bạn không cần quá lo lắng và ngưng tập luyện. Chỉ cần nghỉ ngơi và chờ cảm giác này biến mất trước khi bạn có thể tiếp tục tập luyện như lúc đầu.

Khả năng thích ứng với áp lực bên ngoài của hệ thống cơ xương (bao gồm cơ, gân, dây chằng, sụn và xương cứng) là tương đối chậm. Nếu tăng đột ngột cường độ tập luyện, hoặc nếu có một ngoại lực mạnh bất thường tác động lên các mô này, sẽ thể gây hại trực tiếp cho cơ thể do quá trình điều chỉnh sinh lý diễn ra chậm chạp. Đây là lý do chính tại sao tất cả các bài tập luyện cần phải được tiến hành theo từng bước. Các loại chấn thương này có thể xảy ra đột ngột, hoặc được tích lũy theo thời gian. Các triệu chứng nhẹ như căng cơ, bong gân dây chằng, hay các triệu chứng nghiêm trọng có thể có thể khiến các cơ, gân và dây chằng bị đứt, mòn sụn và thậm chí gãy xương.


Cơn đau "xấu"

Các cơn đau xấu thường được biểu hiện bằng các hiện tượng đau dữ dội, sưng, uể oải và liệt dây thần kinh. Cơn đau xấu sẽ không biến mất sau khi nghỉ ngơi ngắn hạn và thậm chí có thể tăng theo thời gian. Khi cơn đau kéo dài hơn hai ngày sau khi kết thúc tập luyện, hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày (như đi bộ và ngủ), hay cơn đau đi kèm với yếu cơ, tê liệt và sưng khớp, bạn nên tiến hành điều trị ngay lập tức.

Không khó để có thể phòng ngừa các chấn thương thể thao. Điều quan trọng nhất là điều chỉnh cường độ tập luyện theo khả năng của mình. Nếu không phải là các bài tập thông thường hằng ngày, bạn nên bắt đầu với 2/3 khả năng sức mạnh mà bạn nghĩ, và sau đó tăng dần theo tình hình thực tế. Thực hiện các bài tập khởi động và kéo dài trước khi tập thể dục có thể giúp cơ thể bước vào trạng thái tập luyện tốt trong thời gian ngắn nhất. Khi luyện tập đừng nên chú trọng vào biểu hiện thể thao hôm nay, hay quan tâm đến sự tiến bộ theo thời gian, mà bạn nên lắng nghe các tín hiệu từ cơ thể. Khi cảm thấy không khỏe, hãy nghỉ ngơi, đợi đến khi bình thường lại hãy tiếp tục luyện tập, hoặc chuyển sang bài tập khác. Không nên tạo áp lực liên tục lên cùng một vị trí của các cơ xương trong một thời gian dài.


No pain, no gain (không đau đớn thì không có thành tựu) – Câu nói này không hoàn toàn đúng trong lĩnh vực thể thao. Đừng nóng vội thách thức giới hạn thể chất của bản thân, vì điều này chỉ có thể gây ra tác hại lớn hơn cho cơ thể. Hãy lắng nghe cơ thể và thấu hiểu chính mình, đồng thời tập luyện theo từng bước, bạn mới có thể đạt được kết quả tốt hơn và vượt qua giới hạn bản thân.


 [Nguồn bài viết: Running Biji]